Lịch sử Nigeria

Bài chi tiết: Lịch sử Nigeria

Thời tiền sử

Mặt nạ hoàng gia Bini, biểu tượng của Nigeria

Những nhà khảo cổ đã phát hiển ra người Nok ở trung tâm Nigeria tạo các sản phẩm điêu khắc bằng đất nung. Một sản phẩm điêu khắc của người Nok tại học viện nghệ thuật Minneapolis miêu tả một vị chức sắc cầm một cái ba toong ở tay phải và một cái trùy ở tay trái. Đây là những biểu tượng quyền lực của các Pharaoh Ai cập cổ đại, thần Osiris, và thể hiện rằng cấu trúc xã hội và tôn giáo của Ai cập cổ đại có mặt vào cuối giai đoạn Pharaoh của Nigeria.

Ở phía bắc của đất nước (KanoKatsina) hình thành lịch sử từ khoảng năm 999. Vương quốc Sauna và đế chế Kanem-Bornu đã phát triển như những khu thương mại giữa Bắc và Tây Phi. Đầu thế kỷ XIX dưới thời Usman Dan Fodio, Fulani là thủ lĩnh của đế chế Fulani tồn tại đến năm 1903 khi Fulani bị chia cắt thành các thuộc địa của châu Âu. Giữa năm 1750 và 1900, khoảng 1/3 đến 2/3 dân số Fulani là nô lệ.

Các vương quốc IfeOyo của người Yoruba ở phía tây-nam của Nigeria trở nên hùng mạnh vào năm 700-900 và 1400. Tuy nhiên, thần thoại Yoruba nói rằng IIe-lfe là nguồi gốc của loài người và rằng chính nó đã tạo ra các nền văn minh khác.

Về phía Nam của Nigeria là Vương Quốc Nri của người Igbo phát triển vào thời kì nhiều tranh cãi từ thế kỷ X đến 1911. Vương quốc Nri được thống trị bởi Eze Nri. Thành phố của Nri được coi như nền tảng văn hóa Igbo. Nri và Aguleri, nơi khởi sinh những sáng tạo thần thoại là lãnh thổ của thị tộc Umeuri, những người mà nòi giống từ thời kì tộc trưởng Eri.

Thời thuộc địa

Thành phố Benin cổ đại

Những nhà thám hiểm Bồ Đào Nha là những người đầu tiên bắt đầu buôn bán với Nigeria tại cảng mà họ đặt tên là LagosCalabar. Những người châu Âu buôn bán với các bộ tộc sống gần bờ biển và đôi khi họ còn đàm phán để được buôn bán cả nô lệ cho dù điều đó phương hại đến nhiều bộ tộc khác ở Nigeria. Sau cuộc chiến tranh Napoleon, người Anh mở rộng thương mại vào sâu bên trong Nigeria. Do đó rất nhiều công dân ở các thuộc địa của Anh trước đây có nguồn gốc từ các sắc tộc Nigeria.

Năm 1885 người Anh tuyên bố khu vực ảnh hưởng của mình ở Tây Phi và được quốc tế công nhận. Trong năm sau Công ty Hoàng gia Niger được thành lập dưới sự quản lý của George Taubman Goldie. Năm 1900 diện tích đất của công ty chuyển sang cho chính phủ Anh kiểm soát với mục đích củng cố ảnh hưởng đối với Nigeria bấy giờ. Ngày 01 tháng 1 năm 1901 Nigeria trở thành nước được Anh bảo hộ, và thuộc một phần của Đế quốc Anh. Nhiều cuộc chiến chống lại sự bành chướng của Anh do các tiểu bang của Nigeria phát động đã diễn ra vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đáng chú ý nhất là cuộc chiến xâm lược Bénin của Anh vào năm 1897 và Chiến tranh Anglo-Aro từ năm 1901 đến 1902. Sự sụp đổ của các tiểu bang này dẫn đến sự cai trị của người Anh ở khu vực Niger.

Năm 1914, khu vực Niger chính thức được thống nhất thành Khu vực Thuộc địa và Bảo hộ Nigeria. Về mặt hành chính, Nigeria vẫn chia thành các tỉnh phía Bắc, phía Nam và thuộc địa Lagos. Nền giáo dục phương Tây cùng với nền kinh tế hiện đại phát triển ở phía nam nhanh hơn ở phía bắc, và kết quả được cảm nhận rõ trong đời sống chính trị của Nigeria hơn bao giờ hết. Năm 1936 chế độ nô lệ cuối cùng ở miền bắc Nigeria biến mất[5].

Sau Chiến tranh thế giới II, do sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc Nigeria và phong trào đòi độc lập, Hiến pháp Nigeria do Chính phủ Anh soạn thảo đã dần dần đưa Nigeria thành chính phủ đại diện ở cấp độ liên bang. Vào giữa thế kỷ XX, làn sóng độc lập đã lan khắp châu Phi.

Sau độc lập

Ngày 01 tháng 10 năm 1960, Nigeria giành được độc lập từ Vương quốc Anh. Chính quyền tự chủ mới thành lập là một liên minh của các đảng bảo thủ: Đảng Nhân dân Nghị viện Nigeria (NPC), một đảng nằm dưới sự kiểm soát của những người miền Bắc và những người theo đạo Hồi; còn những người Igbo và Thiên chúa giáo thành lập Hội đồng quốc gia Nigeria-Cameroons (NCNC) do Nnamdi Azikiwe lãnh đạo, và là người đầu tiên giữ vị trí Toàn quyền Nigeria vào năm 1960. Phe đối lập với quan điểm tương đối tự do thành lập Nhóm Hành động (Action Group-AG) chịu chi phối của những thành viên bộ tộc Yoruba dưới sự lãnh đạo của Obafemi Awolowo. Những sự khác biệt về văn hóa và chính trị giữa các bộ tộc lớn của Nigeria, bao gồm bộ tộc Hausa (miền bắc), Igbo (miền đông) và Yoruba (miền tây), là rất rõ nét.

Một sự mất cân bằng trong trật tự xã hội đã bị tạo ra do kết quả của cuộc bỏ phiếu phổ thông năm 1961. Nam Cameroon quyết định gia nhập vào Cộng hòa Cameroon, trong khi Bắc Cameroon lại lựa chọn ở lại Nigeria. Phần phía bắc của đất nước bấy giờ lớn hơn nhiều so với phần phía nam. Nigeria tách khỏi Liên hiệp Anh vào năm 1963 và tuyên bố trở thành một Cộng hòa Liên bang; Azikiwe là vị chủ tịch liên bang đầu tiên. Khi cuộc bầu cử diễn ra năm 1965, AG đã đánh mất sự kiểm soát khu vực tây Nigeria vào tay Đảng Dân chủ Quốc gia Nigeria, một sự pha trộn của các phần tử bảo thủ Yoruba dưới sự hậu thuẫn của Chính phủ Liên bang trong bối cảnh đáng ngờ của cuộc bầu cử.

Nội chiến

Sự bất ổn chính trị cùng với tình trạng tham nhũng và gian lận trong quá trình bầu cử vào năm 1966 đã dẫn đến các cuộc đảo chính quân sự liên tiếp. Cuộc đảo chính đầu tiên diễn ra vào tháng Giêng và lãnh đạo bởi những người trẻ tuổi cánh tả dưới sự chỉ huy của thiếu tá lục quân Emmanuel IfeajunaChukwuma Nzeogwu Kaduna. Nó đã phần nào thành công; những người tham gia cuộc đảo chính đã giết chết Thủ tướng Chính phủ, Abubakar Tafawa Balewa, thủ lĩnh miền bắc Ahmadu Bello, và người đứng đầu miền tây Ladoke Akintola. Mặc dù vậy, phe đảo chính không thể thiết lập một chính quyền trung ương do khó khăn về hậu cần. Tổng thống lâm thời khi đó, Nwafor Orizu, đã bị buộc phải bàn giao chính quyền cho Quân đội Nigeria, dưới sự chỉ huy của tướng JTU Aguyi-Ironsi.

Sau đó lại có một cuộc đảo chính thành công khác, dưới sự hỗ trợ chủ yếu bởi những sĩ quan quân đội miền bắc và những người miền bắc củng hộ đảng NPC, và theo sự sắp đặt của những sĩ quan miền bắc, Đại tá Yakubu Gowon trở thành Quốc trưởng. Một loạt các sự kiện xảy ra dồn dập đã làm gia tăng căng thẳng và bạo lực giữa các sắc tộc. Cuộc đảo chính của những người miền bắc, mà chủ yếu mang động cơ sắc tộc và tôn giáo, đã gây ra rất nhiều thương vong cho quân đội và thường dân, và phần lớn thuộc bộ tộc Igbo.

Các vụ bạo lực với bộ tộc Igbo khiến nhiều vùng muốn có quyền tự chủ và tránh khỏi sự đàn áp của quân đội. Vì thế, tháng 5 năm 1967, miền đông đã tự thành lập một nhà nước độc lập theo nguyện vọng của nhân dân, gọi là Cộng hòa Biafra dưới sự lãnh đạo của Đại tá Emeka Ojukwu. Cuộc Nội chiến Nigeria bắt đầu vào ngày 6 tháng 7 năm 1967 khi miền Bắc và miền Tây hợp sức lại tấn công miền đông và miền nam tại Garkem, báo hiệu sự khởi đầu của cuộc chiến kéo dài 30 tháng và kết thúc vào tháng 1 năm 1970. Hơn một triệu người đã chết trong cuộc nội chiến ba năm đó.

Cuộc chiến kết thúc với sự chấm dứt của nhà nước Cộng Hòa Biafra. Tuy nhiên, xung đột sắc tộc vẫn tiếp tục căng thẳng. Miền đông và nam dưới sự quản lý của quân đội quốc gia. Người đứng đầu nhà nước và chính phủ thay đổi liên tục, do các tướng lĩnh quân đội cố gắng lật đổ Gowon cùng với vị vua được phong Murtala Mohammed; nội chiến chính thức kết thúc với việc Olusegun Obansanjo lên làm quốc trưởng sau vụ ám sát Gowon.

Thời kỳ quân trị

Trong thời kỳ bùng nổ dầu mỏ những năm 1970, Nigeria gia nhập OPEC và hàng tỷ đô thu về từ khai thác dầu ở lưu vực sông Niger chảy vào ngân sách Nigeria. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng gia tăng ở mọi cấp chính quyền đã lãng phí hầu hết. Các tướng lĩnh quân đội miền Bắc hưởng lợi rất nhiều trong khi người dân và nền kinh tế chịu thiệt hại. Lợi nhuận từ dầu mỏ đã tăng sự hỗ trợ của chính phủ cho các tiểu bang, nhưng đồng thời chính quyền trung ương lại trở thành trung tâm của các tranh chấp chính trị và cái "túi" của quyền lực trong nước. Ngoài ra doanh thu dầu mỏ còn khiến cho chính quyền và nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, dẫn đến các lo ngại về bất ổn kinh tế một khi thị trường thế giới biến động[6].

Bắt đầu từ năm 1979, dân chủ phần nào được trả lại ở Nigeria khi Obasanjo chuyển giao quyền lực cho chế độ dân sự của Shehu Shagari. Tuy nhiên, Chính phủ Shagari lại bị cáo buộc tham nhũng và bất lực bởi hầu hết các thành phần xã hội ở Nigeria; và bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự của Mohammadu Buhari sau cuộc tái bầu cử gian lận vào năm 1984. Sau đó, nó lại được phần lớn người dân xem như là một bước tiến mới[7]. Buhari hứa sẽ tiến hành những cải cách lớn, nhưng những gì chính phủ của ông làm được không tốt hơn so với chính phủ trước đó là mấy, và một cuộc đảo chính quân sự khác thành công vào năm 1985 đã lật đổ ông[8].

Người đứng đầu nhà nước mới, Ibrahim Babangida, tự xưng các chức danh Tổng thống, Tư lệnh trưởng lực lượng vũ trang và Hội đồng quân sự cầm quyền tối cao; đồng thời ông cũng lấy mốc năm 1990 là thời hạn chót thành lập chính quyền dân sự. Nhiệm kỳ của Babangida được đánh dấu bằng một loạt các hoạt động chính trị: lập "Chương trình điều chỉnh cấu trúc của Quỹ tiền tệ quốc tế" (SAP) để hỗ trợ trả nợ quốc tế của Nigeria, mà hầu hết doanh thu của liên bang dành riêng để trả nợ. Ông cũng cho là đã gây thêm căng thẳng tôn giáo trong nước, đặc biệt với miền nam (gồm chủ yếu là những người theo Cơ đốc giáo) bằng việc đưa Nigeria gia nhập Tổ chức Hội nghị Hồi giáo.[9]

Sau khi sống sót trong một vụ đảo chính thất bại, ông đã lùi thời hạn chót trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự tới năm 1992. Khi bầu cử tự do và công bằng cuối cùng cũng được tổ chức vào ngày 12 Tháng 6 năm 1993, Babangida tuyên bố rằng kết quả bầu cử tổng thống thắng lợi về phía Moshood Kashimawo Olawale Abiola vô hiệu lực và bị hủy bỏ; việc này làm dấy lên hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực dân sự khiến cho đất nước lâm vào khủng hoảng chính trị trong nhiều tuần và buộc Babangida phải giữ lời hứa chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự[10]. Chế độ Babangida được xem là ở đỉnh điểm của tham nhũng trong lịch sử Nigeria.[11]

Chế độ tạm quyền của Babangida do Ernest Shonekan làm tổng thống lâm thời chỉ tồn tại đến cuối năm 1993 khi tướng Sani Abacha lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự khác. Abacha được xem là nhà độc tài tàn bạo nhất của Nigeria và sẵn sàng dùng bạo lực với quy mô lớn để giải quyết các xung đột dân sự. Người ta phát hiện tài khoản của Abacha ở nhiều ngân hàng châu Âu. Ông tránh được âm mưu đảo chính bằng cách hối lộ các tướng lĩnh quân đội. Hàng trăm triệu đô la trong tài khoản truy nguồn từ ông ta đã được công bố vào năm 1999[12]. Chế độ chấm dứt vào năm 1998 sau cái chết đáng ngờ của nhà độc tài. Điều này đã mang lại tia hy vọng cho nền dân chủ ở Nigeria.

Gần đây

Nigeria lại đạt được dân chủ trong năm 1999 sau khi Olusegun Obasanjo, cựu tướng lĩnh quân đội và là người đứng đầu nhà nước trước đó, được bầu làm Tổng thống mới, kết thúc gần 33 năm quân đội cầm quyền (từ 1966 cho đến 1999), không bao gồm nước Cộng hòa thứ hai ngắn ngủi (giữa năm 1979 và 1983) của các nhà quân sự độc tài nắm quyền trong cuộc đảo chính đảo chính liên tiếp vào các thời kỳ quân đội cầm quyền ở Nigeria 1966-1979 và 1983-1998.

Mặc dù các cuộc bầu cử đưa Obasanjo lên nắm quyền vào năm 1999 và một lần nữa vào năm 2003 bị đánh giá là không tự do và không công bằng, Nigeria đã cho thấy những thay đổi rõ rệt trong nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ và đẩy nhanh phát triển. Trong khi Obasanjo bày tỏ thái độ sẵn sàng chống tham nhũng, ông lại bị cáo buộc tham nhũng bởi những người khác.

Umaru Yar'Adua, của Đảng Dân chủ Nhân dân, lên nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử năm 2007 - một cuộc bầu cử bị cộng đồng quốc tế lên án có nhiều gian lận.

Bạo lực sắc tộc ở khu vực sản xuất dầu Niger và cơ sở hạ tầng thiếu thốn là những vấn đề hiện tại của Nigeria.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nigeria http://www.ceaser-web.com/ http://www.economist.com/countries/Nigeria/profile... http://books.google.com/books?id=-BIGv9vIoqcC&pg=P... http://books.google.com/books?id=Q_lCFcabj0MC&pg=P... http://books.google.com/books?id=T4-rlVeb1n0C&pg=P... http://books.google.com/books?id=auI_WuBrWncC&pg=P... http://books.google.com/books?id=fwuQ71ZbaOcC&pg=P... http://travel.nationalgeographic.com/places/cities... http://www.nigerdeltacongress.com/barticles/brain_... http://nigeriaworld.com/